Bản quyền 2024 © thuộc Ban quản lý Công viên Văn hoá Đống Đa. Bảo lưu mọi quyền
Tranh Sơ đồ thành Phượng Hoàng Trung Đô
Trong những lần hành binh từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng nhận thấy Bắc Hà (phía Bắc của quốc gia Đại Việt, tính từ giới tuyến sông Gianh) là nơi khó trị sự, dễ sinh biến và từ Phú Xuân ra Thăng Long thì quá xa. Vì thế, ông đã nung nấu ý định lập một kinh đô mới gần Bắc Hà hơn. Nơi Nguyễn Huệ chọn là Nghệ An. Nghệ An là điểm giữa khoảng cách từ Phú Xuân tới Thăng Long, tiện cho việc đi lại. Một lý do nữa là Nghệ An là đất tổ của Nguyễn Huệ. Dòng họ Nguyễn ở Tây Sơn vốn gốc là họ Hồ ở đất Hưng Nguyên, Nghệ An. Việc đóng đô ở Nghệ An cũng dễ thu phục nhân tâm khi người dân xứ này đã phải khổ sở vì chiến tranh, chán ghét cả vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Sau nhiều lần lựa chọn đất xây dựng, cuối cùng kinh thành mới của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ – tức vua Quang Trung sau này, cũng được khởi công. Phượng Hoàng Trung Đô, hay còn gọi là Trung Kinh Phượng Hoàng thành, được xây dựng giữa núi Phượng Hoàng (tức núi Dũng Quyết) và núi Kỳ Lân (tức núi Mèo), thuộc xã Yên Trường, huyện Chân Lộc xưa (nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Chữ “Phượng Hoàng” là tên một loài chim quý trong truyền thuyết, cũng là tên núi Phượng Hoàng, còn “Trung Đô” nghĩa là kinh đô ở trung tâm đất nước.
Thành Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1788 – 1792, nương theo địa thế tự nhiên. Về mặt cấu trúc, tòa thành có hai vòng là thành ngoại và thành nội. Thành ngoại có hình thang, chu vi 2.820m, diện tích 22ha, tường thành cao 3 – 4m, phía ngoài có hào rộng 3m, sâu 3m. Tường thành được xây kết hợp với các vách núi làm lũy tự nhiên. Thành ngoại có 3 cửa thành là cửa Tiền (phía Nam), cửa Tả (phía Đông) và cửa Hữu (phía Tây). Thành nội được xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi gần 1.680m, cao 2m; cửa lớn mở ra hai hướng Đông – Tây. Trong thành nội có tòa lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa dùng để thiết triều.
Đáng tiếc, tháng 9-1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Thời điểm ấy Phượng Hoàng Trung Đô cơ bản đã hoàn thành nhưng nhà vua chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Nghệ An. Vua kế vị Quang Trung là Cảnh Thịnh – Nguyễn Quang Toản sau đó không dời đô như lời căn dặn của vua cha Quang Trung mà vẫn đóng ở Phú Xuân. Thành Phượng Hoàng Trung Đô dần bị quên lãng và trở thành phế tích.
Phượng Hoàng Trung Đô tuy chưa chính thức là kinh đô và có số phận ngắn ngủi, không may mắn, song đó là tâm huyết của vua Quang Trung và có ý nghĩa lớn trong một khoảng lịch sử biến động của Đại Việt, thể hiện tầm nhìn và khát vọng của vua Quang Trung về một đất nước hòa bình, thống nhất, phồn vinh.
Tư liệu: Phượng Hoàng Trung Đô – Gạch nối quá khứ và hiện tại; Báo Hà Nội Mới (05/12/2019)