Sáng ngày 10/12/2019, UBND Quận Đống Đa phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa tại Công viên văn hóa Đống Đa.
Tới dự có đồng chí: Hà Minh Hải – Thành ủy viên – Bí thư Quận ủy Đống Đa; đồng chí Đặng Việt Quân – Phó Bí thư thường trực Quận ủy – Chủ tịch HĐND Quận Đống Đa; đồng chí Võ Nguyên Phong – Phó Bí thư Quận ủy – Chủ tịch UBND Quận Đống Đa; Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam; PGS-TS Đỗ Văn Trụ – Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội di sản văn hóa Việt Nam – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia; các đồng chí UVTV Quận Đống Đa; các đồng chí lãnh đạo phường Trung Liệt, Quang Trung cùng các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hà Minh Hải, Thành ủy viên – Bí thư Quận ủy Đống Đa nhấn mạnh: “Việc tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tiếp tục nghiên cứu, đánh giá giá trị và đề xuất các giải pháp khoa học cho việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Kết quả của Hội thảo sẽ bổ sung cơ sở khoa học, tư vấn và gợi ý các giải pháp, quan trọng để Quận Đống Đa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị khu Di tích tới nhân dân trong cả nước và bạn bè Quốc tế; tích cực huy động nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, xứng tầm di tích Quốc gia đặc biệt; đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận Đống Đa nói riêng, Thành phố Hà Nội nói chung; tạo điều kiện cho Nhân dân và du khách thập phương đến thưởng ngoạn, chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức vị Hoàng đế “áo vải cờ đào” Quang Trung – Nguyễn Huệ…”. Trình bầy báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học, đồng chí Võ Nguyên Phong – Phó Bí thư Quận ủy – Chủ tịch UBND Quận Đống Đa đã nhấn mạnh: “Trong thời gian tới Quận Đống Đa sẽ tích cực xây dựng quy hoạch chi tiết khu di tích. Các ngành chức năng của quận sẽ tiếp tục cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tàng nghiên cứu sưu tầm tư liệu và hiện vật để hoàn thiện nhà trưng bày về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cùng với việc trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại: phòng chiếu phim 3D, hội trường đa năng để mở rộng hoạt động và gia tăng sự hấp dẫn cho di tích Gò Đống Đa, trong tổng thể khu Công viên văn hóa Đống Đa – như một điểm nhấn du lịch văn hóa – lịch sử của Quận và cả Thành phố”.
Hội thảo đã nhận được 29 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trung ương và các địa phương. Nội dung các tham luận tập trung vào ba chủ đề chính: Di tích Quốc gia đặc biệt – Gò Đống Đa – giá trị lịch sử văn hóa; Hoạt động bảo tồn và tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa; Phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô. Cụ thể như tham luận Khu Di tích Đống Đa sau 230 năm nhìn lại; Gò Đống Đa- Biểu tượng của chiến thắng và tài nghệ quân sự của Quang Trung – Nguyễn Huệ; Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa dưới góc nhìn di sản văn hóa; Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa – Thực trạng, giải pháp; Di tích lịch sử Gò Đống Đa – Cảm nhận và suy nghĩ; Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô; Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa…
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhấn mạnh: “Trên địa bàn Quận Đống Đa có 76 di tích lịch sử văn hóa và 16 lễ hội truyền thống tiêu biểu, trong đó có hai Di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Gò Đống Đa, 49 di tích cấp Quốc gia, 15 di tích cấp Thành phố và 10 Di tích chưa được xếp hạng. Nhằm phát huy giá trị văn hóa – lịch sử Gò Đống Đa đã thực thi đồng bộ nhiều giải pháp như tu bổ, bảo tồn theo đúng quy định của pháp luật. Các di vật, cổ vật liên quan đến Di tích được bảo vệ nghiêm ngặt, không để xẩy ra tình trạng mất cắp hay thất thoát. Đảng bộ Quận Đống Đa cần xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030 là việc cần thiết và cấp bách…”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận xét: Di tích lịch sử Gò Đống Đa đã được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm, bên cạnh việc xếp hạng cũng đã từng bước được đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, cho đến nay có một số vấn đề về di tích còn gây tranh cãi chưa có sự thống nhất, do vậy chưa có cơ sở cho việc bảo tồn Di tích; vì vậy việc bảo tồn Di tích nói chung và Di tích lịch sử Gò Đống Đa nói riêng còn phải dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn, không thể phỏng đoán và suy nghĩ chủ quan. Do vậy các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quận Đống Đa và Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu để có những giải pháp bảo tồn, tôn tạo Di tích Gò Đống Đa nhằm thu hút khách tham quan, xứng đáng là một Di tích Quốc gia đặc biệt nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội nói chung và của Quận Đống Đa nói riêng…”
Với tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, Nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, khẳng định: “Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa được xem như là biểu tượng chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn, là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập – tự do ngàn đời của Nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Do vậy cần tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa Di tích đến thế hệ trẻ về các giá trị của Di tích Gò Đống Đa, qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các thế hệ học sinh cũng như phát huy giá trị Di tích trên địa bàn Quận Đống Đa…”. Hội thảo đã nghe ý kiến đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu khác của GSTSKH Vũ Minh Giang; GSTSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa; GSTS Nguyễn Quang Ngọc, GSTS Đặng Văn Bài, GSTS Tống Trung Tín…
Hội thảo hôm nay cũng là một hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng và mang giá trị nhân văn, hướng về cội nguồn, tri ân và tôn vinh công đức của Người Anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung – Nguyễn Huệ với sự hợp tác tích cực của Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam và nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử và liên ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, du lịch, báo chí truyền thông. Lãnh đạo Quận Đống Đa tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, sử học, khảo cổ học là các chuyên gia đầu ngành về các giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; giải pháp phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô góp phần phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế – xã hội của Quận Đống Đa. Đồng thời cảm ơn và đề nghị các bộ, ngành Trung ương, Thành phố các cơ quan nghiên cứu nhà khoa học tiếp tục phối hợp ủng hộ giúp đỡ Quận Đống Đa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn Quận./.