Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, bằng một cuộc công phá chiến lược, chỉ trong 5 ngày đầu xuân, đạo quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ đã quét sạch 29 vạn quân Thanh đang say sưa “ngủ trọ” tại Bắc Hà ra khỏi bờ cõi, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với sức mạnh yêu nước của cả dân tộc dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), con trai thứ hai của ông Hồ Phi Phúc. Tổ tiên của Nguyễn Huệ quê Nghệ An theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Năm 1771, tuy mới 18 tuổi nhưng chứng kiến cảnh lầm than cực khổ của người dân quê nhà và không chịu nổi sự chuyên quyền của Quốc phó Trương Phúc Loan, Nguyễn Huệ đã bàn bạc với anh là Nguyễn Nhạc, em là Nguyễn Lữ lên vùng Tây Sơn thượng đạo xây dựng căn cứ dựng cờ khởi nghĩa. Tại đây, nhờ có sách lược khôn khéo mà phong trào của 3 anh em họ Nguyễn nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong vùng. Thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn phát triển nhanh chóng. Mùa thu năm 1773, Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo quân đánh chiếm thành Quy Nhơn rồi sau đó lần lượt tiến đánh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận… Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ huy mưu lược của Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Quảng Nam vào tận Bình Thuận…
Có thể nói, trong khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử từ năm 1771 đến 1788, trên hành trình tiến tới thống nhất đất nước, dưới sự chỉ huy tài ba của Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn đã hoàn thành việc xóa bỏ chính quyền cát cứ nhà Nguyễn ở Đàng Trong, làm chủ toàn bộ phần lãnh thổ phía Nam, đồng thời xóa bỏ ranh giới chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài; tiêu diệt chính quyền cát cứ họ Trịnh, làm chủ phần lãnh thổ Đàng Ngoài; xóa bỏ chính quyền bù nhìn vua Lê… Những thành quả nổi bật mang đậm dấu ấn Nguyễn Huệ đặt cơ sở thuận lợi cho sự nghiệp thống nhất đất nước sau đó.
Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống ươn hèn rước 29 vạn quân Thanh kéo vào giày xéo nước ta. Nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm lúc này đang chỉ huy trấn giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, ngày 25-11 năm Mậu Thân (22-12-1788), tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung; đồng thời làm lễ xuất quân ra Bắc để chặn đứng cuộc xâm lăng của quân Thanh. Trên dọc đường hành binh, đạo quân của Quang Trung đã tăng lên một cách nhanh chóng. Ra đến Thọ Hạc (Thanh Hóa), Quang Trung cho binh sĩ dừng chân nghỉ ngơi và tổ chức lễ thệ sư. Tại buổi lễ long trọng và linh thiêng này, đứng trước ba quân, vua Quang Trung dõng dạc tuyên bố: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ).
Trước khi bước vào cuộc sống mái với quân Thanh, Quang Trung tổ chức cho các chiến binh Tây Sơn được ăn Tết trước. Đúng nửa đêm Ba mươi tháng Chạp, đạo hùng binh của Quang Trung mở cuộc tiến công hạ đồn Gián Khẩu (Ninh Bình), 3 ngày sau hạ tiếp đồn Hà Hồi. Với thế tiến công như chẻ tre, mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung đã chỉ huy nghĩa binh tập trung lực lượng đánh trận quyết định tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Ngọc Hồi và Đống Đa. Quân Thanh đang mải vui chơi tiệc tùng thì bỗng nhiên quân Tây Sơn “như từ trên trời rơi xuống”, tướng Tây Sơn “như từ dưới đất chui lên”. Cả bọn hốt hoảng khiếp sợ, người không kịp mặc áo giáp, kẻ không kịp đóng yên ngựa, tranh nhau tháo chạy tán loạn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử ở Đống Đa; Hứa Thế Hanh và Thượng Duy Thăng bị giết chết; còn chủ tướng Tôn Sỹ Nghị và đám tay chân phải cuốn gói chạy về nước.
Thuở ấy, ngày dựng nêu, đêm trừ tịch, đúng thời khắc Giao thừa, Quang Trung phát lệnh tiến công. Đúng như lời hứa trước ba quân, sau 5 ngày đầu xuân chiến thắng thần tốc, Quang Trung cho mở tiệc khao quân. Ngày hạ nêu, nhân dân thành Thăng Long mừng vui khôn xiết, nào bánh chưng, nào thịt mỡ, dưa hành… được mang hết cả ra cùng vui xuân. Nhân dân quây quần nhảy múa, ca hát bên nghĩa quân Tây Sơn cùng nhau đón một cái Tết muộn-Tết chiến thắng, hòa bình. Hoa đào Nhật Tân đỏ tươi ngập tràn xen lẫn tấm áo bào sạm màu khói súng của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ và nghĩa binh Tây Sơn càng tô đậm thêm sắc xuân, đúng như Ngô Ngọc Du đã miêu tả: “Đầy thành già trẻ mặt như hoa”.
Là một thủ lĩnh của phong trào nông dân nhưng Quang Trung-Nguyễn Huệ lại có tầm nhìn chiến lược hết sức sắc sảo. Sau trận đại phá quân Thanh, Quang Trung chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để làm thất bại âm mưu thâm độc nhằm thôn tính Đại Việt của nhà Thanh. Để nhanh chóng khôi phục quan hệ bang giao giữa hai nước, có thời gian củng cố tiềm lực và xây dựng lại đất nước, Quang Trung đã cử một phái đoàn do Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích dẫn đầu sang Trung Quốc giảng hòa với nhà Thanh.
36 tuổi lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng lẫy lừng Xuân Kỷ Dậu 1789, quét sạch 29 vạn quân Thanh, giải phóng đất nước và lập nên một triều đại Tây Sơn tiến bộ. Ông ra chiếu khuyến nông, kêu gọi người dân ly tán trở về quê tiếp tục sản xuất, khai khẩn đất hoang; xuống chiếu giảm thuế cho dân nghèo. Ông cho đúc tiền để lưu thông hàng hóa; rồi cho lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu dạy học. Ông cũng xúc tiến việc xây dựng Vĩnh Doanh (Vinh, Nghệ An) làm Phượng Hoàng trung đô… Đáng tiếc là mọi hoài bão cháy bỏng và kế hoạch tái thiết đất nước đang bắt đầu được nhen nhóm, triển khai thì ngày 16-9-1792, Quang Trung đột ngột băng hà khi mà tài năng đang ở đỉnh cao của độ chín.
Quang Trung-Nguyễn Huệ không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là vị thủ lĩnh có tài dùng người. Ông từng nói “một cây gỗ không chống nổi tòa nhà to”, “mưu lược một kẻ sĩ không dựng được cuộc thái bình…”, chính vì vậy mà sau khi đánh đuổi giặc Thanh, Quang Trung đã ban chiếu mời gọi nhân tài, kêu gọi quan liêu lớn nhỏ, dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu lược hay giúp ích cho đời đều được cho phép dâng thư tỏ bày công việc. Quang Trung dùng người không câu nệ thành phần xuất thân là quan lại cũ của triều Lê-Trịnh; cũng không câu nệ là người Đàng Trong hay Đàng Ngoài, miễn là có tài và có tâm thực sự. Nhiều tên tuổi lớn, cựu thần nhà Lê đã được ông cảm hóa và thu phục, trở thành những cộng sự đắc lực của Quang Trung và rường cột cho chính quyền Tây Sơn lúc bấy giờ. Điều đáng nói là Quang Trung thành thật thu dùng họ và biết biến họ từ đối lập thành những người cộng sự tích cực, đóng góp lớn cho triều đại này.
Hơn 230 mùa xuân đã trôi qua nhưng mảnh đất Thăng Long-Đông Đô nghìn năm văn hiến, sông nước Tiền Giang, Rạch Gầm-Xoài Mút và nhiều vùng quê yêu dấu của nước Việt vẫn âm vang chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng đoàn hùng binh Tây Sơn dũng mãnh yêu nước dưới ngọn cờ của ông.