Gò Đống Đa

Gò Đống Đa nguyên xưa là một trong những quả gò thuộc xứ Đống Đa. Trải qua năm tháng, trên các gò đống đó, cây cối mọc um tùm, nhiều nhất là cây đa nên nhân dân thường gọi những gò đống đó là gò Đống Đa. Địa danh có những gò đống đó gọi là xứ Đống Đa.

Sau trận đánh ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789), khu vực Đống Đa xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi, từ làng Nam Đồng, Khương Thượng tới làng Thịnh Quang. Vua Quang Trung đã cho thu nhặt các xác chết đem chôn vào 12 hố và chất cao thành gò. Năm 1851, do mở đường, mở chợ, nhân dân lại phát hiện thấy có nhiều hài cốt giặc, nên thu nhặt chôn vào một hố to, cạnh núi Ốc (còn gọi là Loa Sơn), rồi đắp đất cao lên liền với núi cũ và cũng được gọi là Gò Đống Đa. Sau này, khi mở rộng thành phố Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi 12 gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Do đó, Gò Đống Đa hiện nay là gò thứ 13 còn sót lại, còn gọi là “Kình Nghê quán” (tức gò chôn xác giặc dữ như cá Kình, cá Nghê ngoài biển). Sự kiện này được ghi lại trong bài thơ Loa Sơn điếu cổ”(Viếng núi Ốc) của thi sĩ đương thời Ngô Ngọc Du có chép:

Thành Nam thập nhị Kình Nghê quán
Chiếu điện anh hùng đại võ công

Nghĩa là:

Mười hai gò xác phía Nam thành
Ngời sáng chiến công bậc anh hùng

Thế kỷ XIX, kinh lược sứ Hoàng Cao Khải do có công đàn áp các cuộc khởi nghĩa của sĩ phu yêu nước nên được thực dân Pháp phong cho ấp Thái Hà. Hắn đã cho phá bỏ đền thờ Sầm Nghi Đống và di dời miếu Trung Liệt (vốn được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 6 (1685) từ thôn Văn Tân (cạnh khu vực Văn Miếu) về gò Đống Đa. Trong miếu thờ các vị trung thần, liệt quốc như: Lê Lai, Tổng đốc Thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Lâm, Tổng đốc Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao, Trương Đăng Quế. Từ năm1946, miếu thờ thêm vua Quang Trung). Tuy nhiên, hiện nay, ngôi miếu không còn, chỉ còn lại duy nhất hạng mục cổng miếu, mang đậm dấu ấn thời Nguyễn. Cổng được xây dựng theo kiểu cổng thành gồm vọng lâu 3 tầng để quan sát hướng xuống phía dưới. Tầng trên cùng với bốn mái đao cong giả ống và hai con kìm ở hai đầu bờ nóc. Chính giữa là những chấn song con tiện để tạo sự thông thoáng và có chức năng như vọng gác tiền tiêu. Tầng dưới cùng nằm lưng chừng gò gồm một lối đi chính cuốn hình vòm, phía trên là ba chữ đại tự “Trung Liệt Miếu” (Miếu Trung Liệt), hai bên đắp đôi câu đối chữ Hán:

Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa
Vị nhật tinh, vị hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên

Tạm dịch:

Ấy thành quách, ấy núi sông, trăm trận phong trần có dư trong thước đất
Vì trời đất, vì sông núi, nỗi niềm mười năm chỉ biết bày tỏ với trời xanh

Gò là hạng mục nổi bật giữa không gian của di tích này. Từ cổng miếu bước lên những bậc dật cấp cao dần là tới đỉnh gò. Gò có diện tích khá lớn, xung quanh được bó vỉa cao ba lớp bằng đá xanh, phần thân và đỉnh gò là những cây cổ thụ và cây lưu niên đan cài. Đây là hạng mục gốc và có giá trị đặc biệt của di tích này. Mặt sau của gò cũng được tạo bởi các bậc thềm đá dẫn lên phía trên, tạo thành lối đi theo kiểu chữ “chi”. Đặc biệt tại đây còn các bậc đá xếp lớp từ các chân tảng, dấu tích của ngôi miếu cổ.