Bản quyền 2024 © thuộc Ban quản lý Công viên Văn hoá Đống Đa. Bảo lưu mọi quyền
Giới thiệu chung
DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT GÒ ĐỐNG ĐA
Gò Đống Đa thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Sử sách cũ ghi lại và theo hồi cố của các cụ cao niên ở làng Thịnh Quang thì nơi tọa lạc của Gò Đống Đa xưa kia thuộc đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Đây cũng là một trong các bãi chiến trường diễn ra trận đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG – NGUYỄN HUỆ
Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương, tên thật là Nguyễn Huệ sinh năm 1753 ở thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, ngày nay thuộc Làng Kiên Mĩ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là vị Hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế ngày 22 tháng 12 năm 1788 tại núi Bân lấy niên hiệu là Quang Trung. Ông mất năm 1792 tại Phú Xuân.
Quang Trung không những là một vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc, mà còn là nhà chính trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông và hai người anh em được biết đến với tên gọi “Tây Sơn tam kiệt”, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh (phía Bắc) và nhà Nguyễn (phía Nam), lật đổ hai tập đoàn phong kiến này cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ. Ngoài ra, Quang Trung còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh từ phía Bắc. Trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn và chưa hề thua một trận. Đồng thời, khi ở cương vị Hoàng đế, Ông cũng tỏ rõ tài cai trị khi đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự,… nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ được các sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Công lao trị nước bình thiên hạ của ông được các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, các sử gia cận đại, hiện đại đánh giá rất cao. Khi Ông mất, nhân dân nhiều nơi đã xây lăng, lập đền thờ, dựng tượng đài và bảo tàng để tưởng nhớ công lao của Ông.
CHIẾN DỊCH NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA, GIẢI PHÓNG KINH THÀNH THĂNG LONG:
Về Di tích lịch sử Gò Đống Đa, hiện có rất nhiều tài liệu và các công trình nghiên cứu của các chuyên gia và các nhà khoa học về những sự kiện đã từng diễn ra tại đây và các chiến trường phụ cận.
Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống sau khi nghe Nguyễn Hữu Chỉnh chống lại nhà Tây Sơn thất bại đã chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Mãn Thanh lợi dụng tình hình trong nước rối ren, mượn cớ giúp đỡ Lê Chiêu Thống đã cho Tôn Sĩ Nghị đem hơn 29 vạn quân chia làm 4 đạo theo đường Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang và Quảng Ninh ồ ạt tiến vào Đại Việt.
Thế giặc mạnh như vũ bão, lại hung hãn, lực lượng quân Tây Sơn đóng ở Lạng Sơn không chống cự nổi. Trước tình hình đó, Ngô Thì Nhậm cùng Ngô Văn Sở quyết định tạm rút lui về Biện Sơn (Thanh Hóa) và Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, rồi cử đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân báo tin với Nguyễn Huệ. Ngày 22/12/1788, nhận được tin cấp báo, Nguyễn Huệ xuất quân ngay hôm sau. Để cho chính danh, trong buổi xuất quân dưới chân núi Ngự Bình (Huế), ông tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Sau bốn ngày, đạo quân của Quang Trung tiến đến Nghệ An, tuyển thêm 10 vạn quân, chiêu nạp được một số sĩ phu Bắc Hà như Nguyễn Thiếp cùng hiến kế đánh giặc. Sau khi tham vấn ý kiến của Nguyễn Thiếp: “Nếu đánh gấp thì không quá 10 ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó”, vua Quang Trung quyết định hành quân thần tốc. Ngày 15/1/1789, quân Tây Sơn tập kết tại Tam Điệp – Biện Sơn, hợp với quân của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chờ sẵn ở đó. Trước khi xuất quân, để động viên tinh thần quân sĩ, Quang Trung mở tiệc cho quân lính ăn tết trước và nói rằng: “Nay hãy ăn tết Nguyên Đán trước, sang xuân ngày mùng 7 ta sẽ vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng, các ngươi cứ nhớ lấy lời ta nói xem có đúng hay không”.
Theo kế hoạch, nghĩa quân của Quang Trung chia làm 5 đạo theo 5 mũi tiến vào Thăng Long.
- Mũi chính binh đánh trực diện vào phía Nam Thăng Long do đích thân Quang Trung chỉ huy;
- Mũi đột kích đo đô đốc Bảo chỉ huy qua Sơn Minh, đến Đại Áng, áp sát đồn Ngọc Hồi;
- Mũi kỳ binh do đô đốc Đông bí mật theo đường Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Nội) vượt sông Nhân Mục tấn công cứ điểm Khương Thượng tiến vào Thăng Long từ phía nam;
- Mũi vu hồi đo đô đốc Tuyết chỉ huy vòng theo đường biển, tiến lên chiếm giữ Lục Đầu, uy hiếp quân địch từ phía Đông;
- Mũi bao vây do đô đốc Lộc chỉ huy, vượt lên Phượng Nhãn, khóa chặt đường rút lui của địch.
Đúng 30 tết, đại quân vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy) đánh vào cứ điểm tiền tiêu khiến địch bị bất ngờ không kịp trở tay. Mùng 3 tết đồn Hà Hồi bị bức hàng. Từ đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5, năm mũi tiến công của đại quân Tây Sơn đồng loạt bất ngờ tiến vào Thăng Long. Mũi kỳ binh của đô đốc Đông vào căn cứ Đống Đa. Được sự hỗ trợ của nhân dân địa phương bện rơm làm “rồng lửa” uy hiếp quân giặc, nhanh chóng hạ đồn Khương Thượng, tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Sau thắng lợi tại Đống Đa, mũi chủ lực của Quang Trung tấn công trực diện vào Ngọc Hồi với lực lượng hùng mạnh nhất: ngoài bộ binh được trang bị bạch khí, hỏa hổ, súng điểu thương…còn có sự yểm trợ của hơn 100 voi trang bị pháo dã chiến trên lưng do nữ tướng Bùi Thị Xuân chỉ huy. Quân Thanh đóng chặt cửa thành cho pháo bắn ra tới tấp, Quang Trung cho quân ghép ván, bên ngoài quấn rơm ướt làm thành 20 lớp tường di động che chắn cho bộ binh, sau nửa ngày đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, các tướng giặc đều tử trận.
Rạng sáng ngày mùng 5 tết, Tôn Sĩ Nghị nghe tin Đống Đa thất thủ, Sầm Nghi Đống tự vẫn, đồn Ngọc Hồi bị hạ. Quá hoảng sợ, y không kịp mặc áo giáp lên ngựa chạy về Bắc quốc. Thấy vậy, quân giặc cũng xô đẩy nhau chạy theo, rơi xuống sông chết rất nhiều. Sau đó tàn quân chạy đến Phượng Nhãn thì gặp đạo quân của đô đốc Lộc phục sẵn xông ra chặn đánh. Đạo quân của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây nghe tin hoảng sợ rút vội về nước.
Trưa ngày mùng 5 tết, trong bộ chiến bào sạm đen vì khói súng, Quang Trung dẫn đại binh tiến vào Thăng Long với niềm tự hào và niềm kiêu hùng dân tộc. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh toàn thắng. Chỉ trong 5 ngày đêm, dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, đưa đất nước lên một vị thế cao chưa từng có trong lịch sử.
Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa nói chung và chiến thắng Đống Đa nói riêng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và được các nhà nghiên cứu Việt Nam đánh giá là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng này đã chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long thịnh trị. Vì vậy, nói về giá trị đặc biệt của di tích Gò Đống Đa là nói đến giá trị lịch sử, về nghệ thuật quân sự đặc sắc với những bước tiến quân thần tốc, bất ngờ, táo bạo tạo lên chiến thắng vang dội, làm cho quân địch không kịp trở tay. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.
DI TÍCH “GÒ ĐỐNG ĐA” nguyên xưa là một trong những quả gò thuộc xứ Đống Đa. Trải qua năm tháng, trên các gò đống đó, cây cối mọc um tùm, nhiều nhất là cây đa nên nhân dân thường gọi những gò đống đó là gò Đống Đa. Địa danh có những gò đống đó gọi là xứ Đống Đa.
Sau trận đánh ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789), khu vực Đống Đa xác giặc chết ngổn ngang khắp nơi, từ làng Nam Đồng, Khương Thượng tới làng Thịnh Quang. Vua Quang Trung đã cho thu nhặt các xác chết đem chôn vào 12 hố và chất cao thành gò. Năm 1851, do mở đường, mở chợ, nhân dân lại phát hiện thấy có nhiều hài cốt giặc, nên thu nhặt chôn vào một hố to, cạnh núi Ốc (còn gọi là Loa Sơn), rồi đắp đất cao lên liền với núi cũ và cũng được gọi là Gò Đống Đa. Sau này, khi mở rộng thành phố Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi 12 gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Do đó, Gò Đống Đa hiện nay là gò thứ 13 còn sót lại, còn gọi là “Kình Nghê quán” (tức gò chôn xác giặc dữ như cá Kình, cá Nghê ngoài biển)
Di tích gò Đống Đa – nơi ghi dấu chiến công vang dội nhất của nhân dân ta ở thế kỷ XVIII – một trong những trận quyết chiến, chiến lược đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Khu di tích được xem là biểu tượng chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn, là minh chứng cho tinh thần yêu nước, đoàn kết, dũng cảm và khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam. Đến với Gò Đống Đa hôm nay, chúng ta càng thêm tôn kính người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ và trân quí những giá trị của hòa bình – độc lập – tự do.
Di tích Gò Đống Đa hiện nay đã được tu bổ, tôn tạo với tổng diện tích hơn 22.000m2 bao gồm các hạng mục: Cổng tứ trụ, Gò Đống Đa, nghi môn, tượng đài Quang Trung, Phù điêu, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung và các công trình phụ trợ trở thành điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, là trường học trực quan giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ một cách sinh động, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hàng năm, vào ngày mùng 5 Tết âm lịch, Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức long trọng (trong 3 ngày mồng 5-6-7) với rất nhiều các hoạt động như: lễ dâng hương, lễ rước kiệu, trống hội, múa lân rồng, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian… nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần văn hóa của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; tôn vinh tinh thần yêu nước và ý chí độc lập tự chủ, tự cường, khát vọng hoà bình của dân tộc ta.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu, Di tích lịch sử Gò Đống Đa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.