Ngành giáo dục và đào tạo quận Đống Đa: Chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh các cấp

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, xác định công tác giáo dục truyền thống, giáo dục di sản là một trong những nội dung đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nhân cách, phẩm chất của học sinh, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ, những năm qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa đặc biệt quan tâm đến hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục di sản trong nhà trường.

Giáo dục truyền thống – Giáo dục di sản trong nhà trường

Trong các trường học của quận Đống Đa, giáo dục truyền thống trong nhà trường không chỉ được giảng dạy trong các bộ môn Đạo đức hay Giáo dục công dân mà còn được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả như sân khấu hóa, hội thi, hội diễn, tọa đàm, giới thiệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích,.. Nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, Đoàn, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống được diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo học sinh, tham gia như: tổ chức sinh hoạt đầu tuần, mít tinh kỷ niệm, gặp mặt truyền thống, các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các cuộc du khảo “Về nguồn”, hội diễn văn nghệ… đã diễn ra sôi nổi ở các trường TH Bế Văn Đàn, THCS Bế Văn Đàn, THCS Thái Thịnh, THCS Cát Linh, THCS Huy Văn, TH Văn Chương, TH Trung Tự,…

Một trong những hoạt động có ý nghĩa và gây ấn tượng sâu sắc với học sinh là hoạt động tái hiện “Lễ chào cờ lịch sử” tại Hoàng thành Thăng Long, trước cửa sân Đoan Môn của học sinh trường Tiểu học Văn Chương diễn ra tháng 10-2023. Đây là hoạt động gợi nhớ lại lễ chào cờ lịch sử đầu tiên sau ngày Giải phóng Thủ đô của 69 năm về trước – chuyên đề hoạt động mới được bổ sung trong chương trình Giáo dục di sản “Em tìm hiểu di sản” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện. Buổi chào cờ có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ luôn biết ơn những hy sinh của các thế hệ đi trước để giành độc lập cho ngày hôm nay.

Phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7) được duy trì và đẩy mạnh thông qua các hoạt động như: nhận chăm sóc khu di tích lịch sử, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia tu sửa, làm sạch nghĩa trang liệt sĩ; Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ… Trong tháng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trường THCS Bế Văn Đàn đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn tại quê hương của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn; lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp… nhằm nâng cao công tác giáo dục truyền thống lịch sử, giúp học sinh hiểu rõ hơn về những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Chia sẻ về một chuỗi các hoạt động này, cô giáo Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: “Thầy và trò nhà trường luôn tự hào, biết ơn sự hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn và ý thức được trách nhiệm xây dựng hình ảnh ngôi trường mang tên anh. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, nhà trường muốn giáo dục học sinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng nhân ái, biết sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng”.

Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Bên cạnh việc giáo dục truyền thống, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cũng được các nhà trường chú trọng, góp phần hình thành các kỹ năng thói quen tốt trong môi trường học đường và ngoài xã hội cho học sinh như: Ứng xử văn hóa, thân thiện, lành mạnh, chủ động học tập, nghiên cứu khoa học, thường xuyên đọc sách, trau dồi kiến thức; tích cực vận động học sinh trường học sống đẹp, chia sẻ, học tập những câu chuyện đẹp về lối sống trong xã hội trong học sinh, khuyến khích học sinh phát huy thế mạnh của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Trường THCS Thái Thịnh đã xây dựng các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống theo từng tuần, từng tháng, theo chủ điểm năm học, mời các chuyên gia trong việc giáo dục đạo đức đến trường trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động tập thể, giờ sinh hoạt lớp…. để chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay cho từng khối lớp, phù hợp với từng độ tuổi và đối tượng học sinh. Điều đặc biệt là trong các sản phẩm dự thi tìm hiểu về truyền thống dân tộc, học sinh đã ứng dụng Chuyển đổi số tạo ra các sản phẩm Thực tế ảo mô phỏng hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa…bằng góc nhìn đầy tự hào của thế hệ trẻ yêu nước, hiếu học về truyền thống của quận Đống Đa nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Quận Đống Đa là vùng đất có lợi thế tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với lễ hội, phong tục tập quán mang đậm giá trị văn hoá bản địa, các trường học trong quận tổ chức cho học sinh tham dự lễ dâng hương và tham quan, học tập tại các di tích nhân dịp lễ hội, viết bài giới thiệu lịch sử – văn hoá các di tích trên, phát biểu cảm nhận về lễ hội quê hương, đưa ra biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm đêm Văn Miếu Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa, tượng Đài Quang Trung, đài tưởng niệm Khâm Thiên… đã góp phần bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.

Việc giáo dục truyền thống cho học sinh còn được cụ thể hóa thông qua các phong trào: chương trình “Áo ấm mùa đông” và “Mùa xuân cho em…; Qua các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống của Đảng, của quê hương, đất nước, các phong trào Đền ơn đáp nghĩa… được phát động, thu hút đông đảo học sinh tham gia đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động, tư tưởng, tình cảm và niềm tin của tuổi trẻ, khơi dậy trong thanh niên lòng tự hào dân tộc.

Để công tác giáo dục truyền thống trong các nhà trường phát huy hiệu quả trong việc giáo dục, rèn luyện, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, Phòng GD&ĐT đã tham gia biên soạn và phối hợp Ban tuyên giáo Quận ủy tổ chức tập huấn cho 100% CBQL và GV giảng dạy bộ môn lịch sử bộ tài liệu Tập bài giảng Lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống địa phương quận Đống Đa, hướng dẫn triển khai dạy tích hợp các nội dung phù hợp vào bộ môn Lịch sử – Địa lý; tổ chức Tọa đàm, giới thiệu, triển khai trong các hoạt động giới thiệu sách Thư viện, giáo dục truyền thống, giáo dục ngoài giờ lên lớp… Giới thiệu và phổ biến sâu rộng Bộ tài liệu trên Website và các trang thông tin điện tử của nhà trường tới toàn thể CBGV, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh trên địa bàn Quận bắt đầu từ năm học 2023-2024. Hiện ngành giáo dục Đống Đa phối hợp chặt chẽ với các phòng ban và chính quyền địa phương, đặc biệt là phát huy tối đa vai trò công tác Đoàn, Đội đưa công nghệ thông tin và internet vào phục vụ các hoạt động giáo dục truyền thống; xây dựng, bổ sung kho dữ liệu về giáo dục truyền thống của trường và của địa phương.

Theo Nhà giáo Trịnh Đan Ly, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo: “Mục tiêu giáo dục truyền thống, giáo dục di sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Đống Đa, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới. Với quan niệm giáo dục tự chuyển hóa, chúng tôi luôn cố gắng phát huy thế mạnh của thế hệ trẻ về công nghệ, sự sáng tạo, đổi mới để triển khai đa dạng các hoạt động giáo dục, để giáo viên và học sinh được tự trải nghiệm, tự cảm nhận, giúp các em hình thành các phẩm chất cốt lõi theo đúng mục tiêu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của Đống Đa nói riêng và của Thủ đô, của đất nước nói chung”.

Nguồn: Đống Đa xưa và nay